Tình hình ngành gốm sứ Thái Lan 2012

1/25/2016 11:17:35 AM
Tình hình kinh tế Thái Lan

Năm 2011 kinh tế Thái Lan có nhiều chuyển biến tích cực với mức tăng trưởng chung 0,1%. Lĩnh vực đầu tư tư nhân và xây dựng tăng lần lượt là 7,2% và 1,3%. Du lịch ngày càng thu hút khách khắp nơi trên thế giới với mức tăng ấn tượng 17,9%. Tỷ lệ lãi suất duy trì mức thấp, tỷ lệ lạm phát là 3,8%/năm. Tỷ lệ thất nghiệp giảm 0,6%.

6 tháng đầu năm 2012 là thời gian Thái Lan khắc phục và sửa chữa những thiệt hại nặng nề do lũ lụt gây ra, do đó tình hình kinh tế nước này sẽ trở lại bình thường vào giữa năm 2012. Trong những tháng cuối năm 2012 và năm 2013 Thái Lan tiếp tục chú trọng vào phát triển thương mại và du lịch, một trong những điểm mạnh góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng như nhiều nước trên thế giới, Thái Lan đang đối mặt với những khó khăn do giá dầu thô trên thế giới tăng cao, chi phí năng lượng tăng, kéo theo chi phí sản xuất, kinh doanh tăng, đồng thời mức lương cho người lao động cũng tăng đáng kể. Điều này đặt ra nhiều thử thách cho các doanh nghiệp sản xuất nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gốm sứ - lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng và nhân công.
 
 
Ngành công nghiệp gốm sứ Thái Lan năm 2011

Năm 2011 ngành gốm sứ Thái Lan đạt nhiều kết quả khả quan trong xuất khẩu, tiêu thụ, xuất nhập khẩu ở tất cả các lĩnh vực ngành hàng: gạch ốp lát, sứ vệ sinh, sứ gia dụng, sứ kỹ thuật, vật liệu chịu lửa và gốm sứ mỹ nghệ.
 

Loại sản phẩm

SX thực tế

Tiêu thụ trong nước

Đơn vị

Gạch ốp lát

194

177

Triệu m2

Sứ vệ sinh

7,31

4,02

Triệu sp

Sứ gia dụng

295

105

Triệu sp

Sứ kỹ thuật

9.000

6.000

Tấn

Vật liệu chịu lửa

150.000

107.000

Tấn

 
Năm 2011 tổng giá trị xuất khẩu gốm sứ của nước này đạt 683 triệu USD, tăng 8,7% so với 2010, trong đó sứ gia dụng đạt 169 triệu USD, sứ vệ sinh đạt 132 triệu USD và gạch ốp lát đạt 114 triệu USD. Tuy nhiên nhập khẩu gốm sứ của Thái Lan cũng rất lớn, với tổng giá trị nhập khẩu đạt 639 triệu USD, tăng 8,87% so với 2010, trong đó gạch ốp lát đạt 201 triệu USD.

Xem chi tiết số liệu sản xuất, xuất nhập khẩu của Thái Lan trên Tạp chí GSXD số tháng 7/2012)
 
 
Nhìn nhận chung về ngành gốm sứ Thái Lan và triển vọng thời gian tới

- Gạch ốp lát: Thị trường trong nước cạnh tranh hơn với các sản phẩm nhập khẩu. Mặc dù nhiều dự án xây dựng lớn bị hoãn lại do ảnh hưởng của trận lụt lớn ở nhiều khu vực đất nước, nhưng do nhu cầu sửa chữa mới nhà cửa đồng thời Chính phủ chủ trương tăng cường xây dựng nên vẫn là yếu tố kích thích tiêu thụ vật liệu xây dựng trong năm 2012. Về xuất khẩu, thị trường xuất khẩu gạch ốp lát của Thái Lan bị giảm ở nhiều khu vực như Mỹ, châu Âu,… do sự suy giảm kinh tế toàn cầu. Điều này sẽ tiếp tục trong năm 2012.

- Sứ vệ sinh: Khác với gạch ốp lát, thị trường xuất khẩu sứ vệ sinh tăng từ châu Á tới châu Âu. Bên cạnh đó nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng gia tăng vì người dân phải sửa chữa nhà cửa sau lũ lụt. Tuy nhiên, thị phần hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh, là mối lo ngại lớn của ngành sản xuất sứ vệ sinh Thái Lan.

- Sứ gia dụng: Là lĩnh vực đóng góp giá trị lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu gốm sứ Thái Lan, tuy nhiên trong năm 2012 mặt hàng này phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách: sự cạnh tranh trên thị trường thế giới ngày càng gay gắt, nhập khẩu từ Trung Quốc tiếp tục chiếm lĩnh thị phần trong nước. Bên cạnh đó, sự tăng giá của đồng Baht Thái so với đồng đôla Mỹ càng làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng Thái ở thị trường nước ngoài.
 
 
- Gốm sứ kỹ thuật: Khác với các ngành khác, sản xuất và tiêu thụ gốm sứ kỹ thuật được dự báo sẽ tăng cả ở thị trường trong nước và nước ngoài, đặc biệt là khu vực châu Á và châu Âu. Trong năm 2012 và 2013 lĩnh vực này sẽ tiếp tục phát triển mạnh với những dự án lớn của chính phủ, bên cạnh đó ngành gốm sứ kỹ thuật Thái Lan còn được hỗ trợ từ các chính sách của chính phủ.

- Gốm sứ mỹ nghệ: Thị trường xuất khẩu chính của mặt hàng này là Mỹ, Đức và các nước châu Âu. Trong bối cảnh khó khăn chung của toàn nền kinh tế, toàn ngành gốm sứ như chi phí sản xuất ngày càng tăng, giá dầu tăng, mức lương tối thiểu cho người lao động tăng,…  càng gây nhiều bất lợi cho ngành sản xuất gốm sứ mỹ nghệ Thái Lan. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh tại thị trường trong nước và quốc tế ngày càng gay gắt, đặc biệt là cạnh tranh về giá và mẫu mã sản phẩm đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Các bài viết khác