Ngành công nghiệp gốm sứ xây dựng Việt Nam 2011 - 2012

1/25/2016 11:41:33 AM

Năm 2011 mặc dù cả thế giới và trong nước đều gặp nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả khả quan, trong đó tăng trưởng GDP đạt 5,89%, công nghiệp xây dựng đạt 5,53%. Kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt 96,3 tỷ USD, tăng 33,3% so với 2010, trong đó đứng đầu là Hoa Kỳ, EU và Asean. 7 tháng đầu năm 2012 xuất khẩu đạt 62,9 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu năm 2011 rất cao, đạt 105,8 tỷ USD, tăng 24% so với 2010, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần ¼, tiếp đến là Asean và Hàn Quốc. Nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2012 đạt 63 tỷ USD. Như vậy nhập siêu trong năm 2011 đạt gần 10 tỷ USD.

Lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng đều ở mức cao trên 18%. Tỷ lệ lãi suất tiền vay của các doanh nghiệp từ 18 – 20%. Mặc dù những tháng giữa năm 2012 Chính phủ đã có những chính sách điều chỉnh lãi suất cho doanh nghiệp, tuy nhiên việc tiếp cận vốn vay lãi suất thấp vẫn còn rất khó khăn.

Một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng của Việt Nam

Chỉ tiêu

2010

2011

2012 (*)

Dân số (triệu người)

86,93

87,84

88

Tăng trưởng GDP (%)

6,78

5,89

5,6 - 6

Thu nhập bình quân (USD)

1.160

1.300

-

Tỷ lệ lạm phát (%)

11,75

18,12

9 – 11

Nhân lực (triệu người)

46,2

46,48

-

Tỷ lệ thất nghiệp (%)

2,88

2,27

-

Tổng xuất khẩu (tỷ USD)

71,6

96,3

108,8

Tổng nhập khẩu (tỷ USD)

84

105,8

110

Các mặt hàng xuất khẩu chính

Dệt may, da giày, thủy sản, gạo, dầu thô, gỗ và các sản phẩm gỗ, nông sản, …

Các mặt hàng nhập khẩu chính

Dệt may, da giày, máy tính và phụ kiện, máy móc thiết bị, vải và phụ kiện dệt may

Nguồn: Tổng cục Thống kê/(*): ước tính

Ngành công nghiệp gốm sứ xây dựng Việt Nam năm 2011 – 2012

Nhìn chung năm 2011 là một năm cực kỳ khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ xây dựng Việt Nam. Năng lực sản xuất tăng không đáng kể, một số công ty gạch ốp lát có đầu tư mới nâng công suất nhưng mới chỉ ở giai đoạn xây dựng. Mặc dù thị trường bất động sản ngưng trệ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và tiêu thụ gốm sứ xây dựng, tuy nhiên do còn nhiều công trình xây dựng đang trong giai đoạn hoàn thiện nên năm 2011 vẫn khai thác được trên 92% công suất.

(Xem chi tiết số liệu về công suất, sản xuất, xuất nhập khẩu, tiêu thụ gốm sứ xây dựng của Việt Nam trên tạp chí số 74 - tháng 7/2012)

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2011 xuất khẩu gạch ốp lát (ceramic, granit, cotto) đạt 185.144.000 USD, sứ vệ sinh & phụ kiện đạt 64.343.000 USD, sang các nước và vùng kinh tế lớn với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 250 triệu USD.

Nếu tính cả xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới và lượng xuất khẩu từ các nguồn khác thì ước kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2011 đạt khoảng 315triệu USD.

Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2011 đạt 237,83 triệu USD, trong đó nhập khẩu các sản phẩm gốm sứ đạt trên 60 triệu USD, nhập khẩu nguyên liệu sản xuất gốm sứ đạt trên 173 triệu USD, trong đó chủ yếu từ Trung Quốc, Tây Ban Nha, Đài Loan, Thái Lan.

Một số khó khăn của ngành gốm sứ xây dựng năm 2011 – 2012

Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp sản xuất là thiếu vốn hoạt động do lãi suất cho vay cao. Mặc dù Chính phủ có nhiều động thái nhằm giảm lãi suất từ trên 20% xuống còn 15% nhưng thực tế doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn. Bên cạnh đó thị trường bất động sản ngưng trệ kéo theo nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng giảm mạnh, lượng hàng tồn kho nhiều, doanh nghiệp bị ứ đọng vốn phải giảm sản lượng hoặc ngừng sản xuất.

Một vấn đề nhức nhối của ngành gốm sứ xây dựng là tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại gạch ốp lát từ Trung Quốc vào Việt Nam ngày càng tăng, khó kiểm soát và mặc dù Hiệp hội GSXD Việt Nam đã có nhiều hoạt động phối hợp với các cơ quan nhà nước như Tổng cục Hải quan, VCCI, các Bộ ngành trong việc đưa ra các biện pháp ngăn chặn gian lận thương mại từ Trung Quốc, tuy nhiên vẫn chưa có biện pháp tốt để khắc phục vấn đề trên.

Ngoài những khó khăn trên, ngành gốm sứ còn chịu nhiều tác động từ các chính sách của nhà nước có liên quan:

-       Chính phủ chỉ đạo tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung đối với các công trình công;

-       Tăng thuế tài nguyên đối với đất sét sản xuất gạch tới 15%

-       Nâng phí bảo vệ môi trường đối với việc khai thác đất sét làm gạch.

Xu hướng của ngành gốm sứ xây dựng năm 2012

Do những khó khăn về vốn, về thị trường như đã nêu trên nên dự kiến năm 2012 ngành sản xuất gốm sứ xây dựng chỉ khai thác được khoảng 70% công suất đối với cả gạch ốp lát và sứ vệ sinh.

Về xuất khẩu, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục chú trọng vào các thị trường trọng điểm. Hiện nay Trung Quốc bị các nước trên thế giới áp thuế chống bán phá giá rất cao, do đó tạo cơ hội xuất khẩu cho các nước khác, trong đó có Việt Nam. Dự kiến năm 2012 sẽ duy trì lượng xuất khẩu như năm 2011

Các bài viết khác