Đoàn Hiệp hội tham quan Hội chợ VIBRANT CERAMICS EXPO 2017 tại Ấn Độ

12/20/2017 4:49:47 PM

Nhận lời mời của Phòng Thương mại Ấn Độ và Đại sứ quán Ấn Độ đoàn Hiệp hội gốm sứ xây dựng Việt Nam gồm các nhà sản xuất và đại lý phân phối gạch và sứ vệ sinh tại Hà Nội, Phú Thọ, Đà Nẵng, TP HCM, Cần Thơ, An Giang đã thăm Hội chợ VIBRANT CERAMICS EXPO 2017 tại tỉnh Gujarat, Ấn Độ  ngày 16-19/11/2017.


Ấn Độ là nước sản xuất gạch ốp lát thứ 2 thế giới với sản lượng hàng năm khoảng 1 tỷ m2 (năm 2016). Tỉnh Gujarat được hình thành thành Vùng công nghiệp gốm sứ từ năm 1994, trên 20 năm qua đã phát triển mãnh liệt, đến nay có 610 doanh nghiệp gốm sứ, chiếm hơn 70% sản lượng toàn Ấn Độ. Đây là Trung tâm sản xuất gạch ốp lát lớn thứ 2 thế giới sau Quảng Đông, Trung Quốc.

Theo Hiệp hội gốm sứ Morbi những ưu thế giúp ngành gạch ốp lát  tỉnh Gujarat Ấn Độ phát triển là:

  • Có nguồn nguyên liệu dồi dào và được cung ứng đều đặn;
  • Gần cảng biển lớn, chi phí vận tải thành phẩm xuất khẩu rẻ, trong khi thuận lợi nhập khẩu thiết bị.
  • Hình thành vùng tập trung công nghiệp gốm sứ thuận lợi cho việc quản lý bảo vệ môi trường, thành lập công nghiệp phụ trợ, dễ dàng liên kết hoặc chuyên môn hóa các nhà máy.
  • Được chính phủ hỗ trợ bằng việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt tại các thành phố trong tỉnh Gujarat.
  • Nhân lực dồi dào và giá nhân công rẻ.
  • Được ngành công nghệ thông tin (IT) là ngành rất mạnh của Ấn Độ hỗ trợ trong sản xuất và bán hàng. Các nhà sản xuất từ nhỏ đến lớn đều có trang web trình bày đẹp, người xem dễ dàng tải catalog và giao dịch trực tuyến.

Các nhà máy gốm sứ Ấn Độ được đầu tư công nghệ tiên tiến và nhập khẩu thiết bị từ nhiều nước trên thế giới đều hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Hàng năm Gujarat xuất khẩu khoảng 30% sản lượng gạch ốp lát.
Có thể nói đây là Hội chợ sản phẩm gạch ốp lát lớn nhất thế giới trên khuôn viên rộng lớn với 12 tòa nhà kết cấu thép chứa đầy các sản phẩm gạch ốp lát và sứ vệ sinh trưng bầy. Các sản phẩm triển lãm được chia thành các dòng như sau:

  • Gạch ốp lát nung 3 lần;
  • Gạch lát sàn kỹ thuật số;
  • Gạch ốp tường kts;
  • Gạch ôp tường ceramic;
  • Gạch sàn ceramic;
  • Gạch nhà để xe kts;
  • Gạch pocerlain nạp liệu 2 lần;
  • Gạch pocerlain tráng men;
  • Gạch ceramic tráng men;
  • Hệ thống trưng bày san phẩm cho sản phẩm ceramic;
  • Gạch thấm muối tan;
  • Gạch nạp liệu 2 lần tráng men;
  • Gạch mosaic;
  • Gạch bậc cầu thang;
  • Sản phẩm và phụ kiện phòng tắm, spa;
  • Sứ vệ sinh;
  • Chậu bếp sứ;
  • Vữa keo kết dính gạch;

Đã có rất hiều đoàn đại biểu từ châu Mỹ, châu Âu, châu Phi, châu Á đến tham dự triển lãm, đối thoại trực tiếp với các nhà sản xuất và ký kết hợp đồng.

Với mẫu mã đa dạng, trang trí khác lạ với mẫu gạch trong nước hiện nay gạch ốp lát Ấn Độ đã được nhập khẩu về Việt Nam. Tuy nhiên theo ý kiến của một số nhà nhập khẩu gạch Ấn Độ dòn, dễ sứt mép và gẫy, độ hút nước cao, giá cũng không rẻ do chịu thuế nhập khẩu ít nhất là 22%. Điều này cũng được khẳng định theo số liệu thử nghiệm một số mẫu gạch Ấn Độ 300x300, 300x600, 250x500 thương hiệu Vento, Vegas, Kajaria tại Viện Vật liệu xây dựng, độ hút nước 18-21%, cường độ chịu uốn 130-150 kg/cm2.

Tuy nhiên chiến lược của Ấn Độ về đầu tư tập trung cho hạ tầng sản xuất đảm bảo cho môi trường, xác định sản xuất gạch ốp lát là thế mạnh của đất nước, định hướng mạnh mẽ xuất khẩu, đều đặn tổ chức hội chợ về thiết bị, về sản phẩm mà được chính Thủ tướng quan tâm, các sản phẩm tiến bộ vượt bậc về mẫu mã… là những điều mà ngành gốm sứ nước ta cần tham khảo để tồn tại và cạnh tranh trong xu thế hội nhập quốc tế.  

 

Các bài viết khác